Cách phân biệt các loại trầm hương đang bán trên thị trường Việt Nam
Trầm hương tự nhiên
– Loại đặc biệt nhất và vô cùng quý hiếm đó là kỳ nam, loại này có giá đắt nhất trên thị trường do tính chất rất khó khai thác và có mức giá rất cao lên đến hàng tỷ đồng.
Loại trầm hương này có phẩm cấp cao nhất, chiết xuất ra nhiều dầu, nhẹ, mềm, dẻo, nhuyễn, mùi hương có đủ vị cay, đắng, ngọt, thơm tự nhiên, khi đốt lên hương thơm rất đặc biệt (có mùi thơm sữa), khói xanh, bay thẳng và dài lên không trung. Trầm kỳ nam còn được chia thành các kỳ khác như:
Bạch kỳ : Sắc trắng ngà, xám nhạt, cực kì hiếm gặp, ít khi có hàng, giá rất cao.
Thanh kỳ : Sắc xanh xám, ánh lục, rất quý hiếm, đắt giá xếp sau bạch kỳ.
Huỳnh kỳ : Sắc vàng sẩm, vàng nâu, quý hiếm và đắt giá sau thanh kỳ.
Hắc kỳ : Sắc đen chàm, hắc ín, khá quý hiếm, giá đắt sau huỳnh kỳ.
Ngày xưa trong sử sách kỳ nam được xếp loại: nhất Bạch, nhì Thanh, tam Huỳnh, tứ Hắc. Ngày nay mức độ khai thác loại trầm này dường như rất khan hiếm về số lượng dẫn đến dòng sản phẩm từ kỳ nam có giá trị bậc nhất trong kinh doanh trầm hương.
- Nối tiếp theo kỳ nam là trầm loại một:
Đó là trầm rễ: loại này chìm nước hoàn toàn, có tính chất gần giống với kỳ nam nhưng chưa đạt đến độ xuất sắc như kỳ nam, nó được tạo ra từ rễ cây, loại này rất tốt, khó khai thác nên có giá trị kinh tế cao cũng như khó tìm mua được tại các của hàng chủ yếu được bán qua tay, tiêu thụ chanh chóng.
- Tiếp theo là trầm loại hai:
Còn có tên gọi khác là trầm kiến, có lỗ, hang do kiến đục làm tổ trước khi cây thành trầm (dân đi địu có câu: “nhất kỳ, nhì kiến”), thuộc hàng chìm lửng chứ không chìm hoàn toàn như loại một nhưng cũng khá quý hiếm trong tự nhiên với mức giá dao động từ vài trăm triệu trở lên cho một sản phẩm được làm từ trầm loại này.Trong hạng mục trầm kiến lại được chia thành rất nhiều trầm khác nhau như:
Kiến xanh: từ thân cây dó sinh ra, màu xanh đậm, cứng.
Kiến điệp: mềm hơn, có rất nhiều dạng.
Kiến kim: chạy đường vân nhỏ, dẹp, giống đường kim may.
Kiến vách lầu: ăn theo đường vân có hình nhà tầng, trông thoạt như vách nhà lầu xây.
Kiến gai: hay còn gọi là kiến cây trường lão, còn có tên là kiến ông. Kiến ăn giữa ruột cây dó, chạy sợi vân.
Kiến lỗ: ăn đục thành từng lỗ trong ruột cây dó.
Kiến trắng: gọi theo màu sắc. loại này có giá tiền cao hơn, vì tạo nên trầm tốt.
Kiến đen đụp: chỉ có trầm ở hai đầu, giữa thân toàn là cơm, trong giới đi địu, gọi là kiến tà ha.
– Cuối cùng là trầm loại ba hay còn gọi là trầm tốc:
Trầm tốc: là một dạng trầm nổi, sinh ra ở thân cây, miếng trầm đặc, không có lỗ. Trầm tốc được ưa chuộng và thông dụng nhất trên thị trường, tạo thành nhiều sản phẩm với mức bán khác nhau dao động từ vài trăm đến vài triệu đồng:
Tốc kiến: chạy đường vân nhỏ, dẹp, giống đường kim may như kiến kim nhưng nhẹ hơn kiến kim mùi hương thoang thoảng dễ chịu.
Tốc bông: màu vàng lợt, có đường vân tạo giống như hình bông hoa.
Tốc đá: có màu đen, sẫm, cứng, dáng hình kiến ăn dày như tán đường đinh. Lúc soi trong cây dó, tốc đá có màu đen. Tuy nhiên, để một lát sau, do ảnh hưởng không khí tác động, tốc đá có màu bợt.
Tốc lọ nghẹ: màu đen đen như bồ hóng và nặng.
Tốc xám: màu xam xám như tro.
Tốc nước: mềm, áo đen, màu vàng lợt, ngoài mỏng. Sau khi dạt ra, tốc nước có mùi thơm dịu dàng.
Tốc ớt: có mùi hăng hăng, màu vàng bợt.
Tốc hương: sắc vàng lợt, hương đượm, thường bao quanh kỳ nam, cho nên có nhiều gân nhiều điểm kỳ nam lẫn vào.
Tốc thẻ: kiến ăn chạy theo đường vân giống như tấm thẻ.
Tốc lưới: đường vân chằng chịt như mắt lưới đánh cá.
Tốc phao: có hình tròn, giống như phao lưới, màu vàng nhạt. Tốc này có mùi thơm nhẹ và dịu.
Tốc cá ngừ: Trông dáng hình ba khoanh tròn đồng tâm, màu sám giống thịt màu cá ngừ.
Tốc da: do kiến ăn ngoài da cây dó, nổi từng đường vân trông thấy ngay ở ngoài da, vì thế rất dễ nhận biết.
Với mức giá vừa phải chất lượng ổn định chắc chắn trầm tốc sẽ là sự lựa chọn tối ưu nhất cho bạn, nó vừa là trầm tự nhiên vừa hợp túi tiền của người dùng lại tạo ra rất nhiều sản phẩm khác nhau thì hẳn là bạn không có sự chọn lựa nào khác tốt hơn thế khi tìm đến trầm loại ba.
Trầm hương nhân tạo.
- Trầm sánh
Sánh là trầm hương được cấy ghép từ lớp tinh dầu mỏng với thân cây dó bầu tạo nên trầm nhân tạo thời gian thu hoạch từ 10-15 năm. Đây được gọi là trầm “sánh ghép”, do con người tạo ra từ lớp vỏ của cây dó bầu loài cây duy nhất cho trầm cùng một lượng nhỏ trầm tự nhiên tạo thành. Cũng có ba dạng: chìm nước, chìm lửng và dạng nổi. Chất lượng của trầm sánh không thua kém gì trầm rễ với trầm kiến nên tuy là nhân tạo nhưng giá thành của nó khá cao.
- Trầm ép.
Trầm ép là loại trầm ép tinh dầu, loại này dùng gỗ dó bầu chưa tạo được trầm hương, ép lấy tinh dầu trầm hương ở áp suất cao, sẽ cho ra thành phẩm cũng có mùi đúng như trầm hương, nhưng thường có màu rất đậm, không rõ vân gỗ. Cũng có chìm nước, chìm lửng và dạng nổi.
Trên thị trường hiện nay trầm hương nhân tạo đang được bày bán phổ biến đa dạng chủng loại mẫu mã khác nhau khiến người tiêu dùng gặp khó khăn trong việc đâu là trầm hương tự nhiên và đâu là trầm nhân tạo.
- Trầm hương nhập khẩu
Ngoài ra còn có sự du nhập của các mẫu trầm từ khắp các nước Đông Nam Á như trầm Indo, Malaysia, Lào, Campuchia... nên thị trường trầm hương trở nên khó khăn phân biệt hơn bao giờ hết.